Hiệp Thiên Cung Cần Thơ

Hiệp Thiên Cung Cần Thơ
Trong số các ngôi chùa của đồng bào Hoa ở Cần Thơ, có lẽ Hiệp Thiên Cung là ngôi chùa có niên đại xưa nhất. Hiệp Thiên Cung do nhóm người Hoa Triều Châu xây dựng vào khoảng năm 1850, trên một sở đất rộng, ở góc đường Hàm Nghi - Lê Thái Tổ, phường Lê Bình, quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ bây giờ.
 
Khi ấy, Cái Răng là một thị trấn phát triển sầm uất với các tiệm buôn, chành lúa, gạo của các Hoa kiều. Dù bận bịu với chuyện kinh doanh, cũng như bao nhóm người Hoa khác, nhóm người Hoa này vẫn duy trì tín ngưỡng tâm linh bằng cách lập chùa làm nơi thờ tự và cũng để sinh hoạt trong cộng đồng dân tộc mình. Do nghề nghiệp chính của người Hoa là thương nghiệp nên Hiệp Thiên Cung được xây cất giữa phố xá, rất thuận tiện cho mọi người khói hương cúng bái.
 
Hiệp Thiên Cung mang đậm phong cách Trung Quốc, cách bày trí và kiến trúc thể hiện được nét đặc trưng của một ngôi chùa Hoa. Chùa không có cổng, cất theo hình chữ “Quốc” với khoảng sân rộng. Như các ngôi chùa Hoa khác ở nước ta, cột chùa và một số vật liệu khác đều được mang từ Trung Quốc sang. Trước cửa chùa có treo hai lồng đèn hình cầu rất to, vẽ những bức tranh sơn thủy và hàng chữ Hán: “Phong điều vũ thuận”. Khi có gió, hai lồng đèn hình cầu đung đưa rất đẹp mắt, nhất là những khi lên đèn vào ban đêm. 
 
Giữa cửa chùa có treo lơ lửng một chiếc thuyền rồng, cùng nhiều hình tượng các vị tiên, thần, thánh... Hai bên tường phía trước chùa có rất nhiều bức họa vẽ mai, điểu, cúc, trúc, hình Bát tiên, hình phong cảnh, hình các vị thần cùng rất nhiều hoa văn, họa tiết khác. Trên mỗi bức vẽ có nhiều dòng chữ Hán như: “Xuân đáo nhân gian”, “Thần tài đáo”... Mái chùa được lợp ngói âm dương, đầu mái gắn ngói ống. Trên nóc chùa có tượng “Lưỡng long chầu nguyệt”, tượng thần Nhật, Nguyệt, hoa, lá, chim muông, đa dạng về màu sắc và thể tài làm cho ngôi chùa càng mang thêm nét cổ kính. Chiếm hết diện tích hai cánh cửa chùa là hình vẽ ông Thiện và ông Ác, như là sự trấn giữ, ngăn ngừa gian tà, bảo vệ điều thiện. Bên trong chùa có thiên tĩnh là nơi đón ánh sáng mặt trời, thông gió, giúp cho ngôi chùa được sáng sủa, mát mẻ. Ngôi chùa được chống đỡ bởi 8 hàng cột lớn cùng nhiều cột nhỏ. Hai cột lớn được sơn son thếp vàng, các cột nhỏ được sơn màu đỏ thẫm, chạm khắc rất nhiều hoa văn, biểu tượng theo truyền thống văn hóa Trung Hoa. Nhiều hoành phi, câu đối được viết bằng chữ Hán với nội dung thể hiện khí khái của người quân tử, ước vọng an lành, quanh năm no ấm được treo theo các hàng cột.
 
Ở chính điện, trang trọng nhất là gian thờ Quan công - theo quan niệm của người Hoa đây là vị thần tượng trưng cho sự trung, hiếu, tiết, nghĩa. Bên trên treo bức trướng to với 4 đại tự bằng chữ Hán “Khí tráng sơn hà”. Khánh thờ Quan công được chạm khắc rất tỉ mỉ, công phu với hình chim muông, trúc..., được sơn son thếp vàng thật lộng lẫy. Tượng Quan công được đặt trong khánh thờ, có tượng Quan Bình và Châu Xương hai bên. Trên án thờ, ngoài bộ lư hương, nhang, đèn... còn có con Xích thố của ông. Hai bên gian thờ Quan công còn hai khánh thờ của Thiên hậu Thánh mẫu và Tài Bạch Tinh quân. Hai khánh thờ này cũng được trang trí đẹp. Hai bên gian chính điện là hai hàng binh khí, như: xà mâu, đao, thương... tạo không khí uy nghiêm. Xung quanh còn có nhiều bàn thờ khác, tất cả nhằm hướng tới cội nguồn, mong ước thiên hạ thái bình, mùa màng bội thu.
 
Hằng năm, chùa Hiệp Thiên Cung đều tổ chức lễ vía Quan công vào các ngày 12, 13 và 14 tháng năm Âm lịch, thu hút đông đảo bổn phố và khách thập phương. Đặc biệt trong lễ hội, ban trị sự chùa có tổ chức đấu đèn và rước hát Tiều về biểu diễn nên buổi lễ vốn long trọng càng thêm vui vẻ và có ý nghĩa từ thiện. Hiện nay ban trị chùa gồm 5 bang: Quảng Đông, Triều Châu, Phúc Kiến, Hẹ và Việt luân phiên nhau trực cũng như lo việc khói hương và lễ hội. Có thể nói, chính lễ hội ở Hiệp Thiên Cung và một số chùa Hoa khác ở Cần Thơ đã góp phần làm nên sự phong phú cho bản sắc văn hóa Cần Thơ cũng như tạo được một sân chơi tinh thần lành mạnh cho dân địa phương và là một trong những địa chỉ du lịch văn hóa đặc sắc của người Hoa cho du khách sau khi tham quan cảnh sông nước miệt vườn Cần Thơ.
 
Địa chỉ: số 29, đường Hàm Nghi, phường Lê Bình, quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ
chia sẻ ảnh đẹp check in
Tin bài liên quan khác
TOP ĐIỂM ĐẾN
Cô Tô Cô Tô
53 khách sạn
Biển Hải Hòa Biển Hải Hòa
11 khách sạn
Hải Tiến Hải Tiến
29 khách sạn
Sầm Sơn Sầm Sơn
70 khách sạn
Đà Lạt Đà Lạt
102 khách sạn
KHÁCH SẠN GIỚI THIỆU
Chiêm ngưỡng những hình ảnh và một vài góc của Khu du lịch Vườn Vô Cực Sapa bạn có thể checkin sống ảo.
Chiêm ngưỡng những hình ảnh đầu tiên và một vài góc của Khu du lịch Vườn Vô Cực Sapa bạn có thể checkin sống ảo. Một địa điểm Mới - Đẹp - Lạ tại Sapa năm 2022. ...
Khách sạn Việt Nam được hotel84.com quảng bá và cung cấp dịch vụ tìm kiếm khách sạn giá tốt nhất, thông tin về các Khach san cho chuyến công tác hay kỳ nghỉ thú vị đầy kỷ niệm của du khách.