Chợ phiên vùng cao Hà Giang

Chợ phiên vùng cao Hà Giang
Chợ phiên ở vùng cao của Hà Giang mỗi tuần họp một lần, có những phiên chợ được họp vào ngày con Giáp hay còn gọi là chợ lùi, chẳng hạn chợ tuần trước họp vào chủ nhật thì sang tuần kế tiếp sẽ họp vào thứ hai như chợ Lũng Phìn được họp vào ngày Dần và ngày Thân, chợ Xà Phìn họp vào ngày Tỵ và Hợi... Ngày nay chợ thường họp vào thứ 7 hoặc chủ nhật và bắt đầu từ rất sớm lúc mặt trời còn chưa mọc. Những người nhà ở lưng chừng núi, lưng chừng đồi xa xôi tới “ba con dao quăng” xuống chợ từ lúc những dải sương, mây vẫn còn mềm mại gối đầu nằm êm đềm bên những sườn núi. “Đến hẹn lại lên”, những dòng người từ trên núi xuống, từ dưới thung lũng lên đổ về chợ, làm náo nhiệt cả một vùng vốn ngày thường chỉ vắng lặng, chỉ thỉnh thoảng mới có tiếng gà gáy ban trưa hay tiếng khèn của ai đó đi nương vui gọi bạn văng vẳng nơi xa... Các phiên chợ vùng cao đã ăn sâu vào trong tiềm thức nếp nghĩ, nếp sống của người dân bản xứ, cũng như của bất cứ du khách nào có dịp ghé thăm để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của chợ vùng cao.
 
Mỗi dân tộc có một nét đặc sắc riêng và mang nét đẹp đó đến chợ. Đến với chợ vùng cao, mọi người sẽ được đắm chìm trong sắc màu thổ cẩm, những thiếu nữ dân tộc Nùng, Dao, Mông, Lô Lô, La Chí,..xúng xính trong trang phục truyền thống của dân tộc, tạo nên sự huyền ảo của sắc màu trang phục dân tộc và không khí vui tươi cho ngày chợ. Dạo chơi để hòa chung với phiên chợ vùng cao ta mới cảm nhận được thật sự cái đẹp ẩn chứa trong đó, không phô trương  cầu kỳ mà thay vào đó sự mộc mạc đượm nét nhân văn. Sản phẩm của địa phương được bày bán trao đổi ở chợ là sự kết tinh trong lao động, sự cần cù của người dân vùng cao - nơi còn nhiều khó khăn, thiếu nước và thiếu đất sản xuất mà người dân vẫn vươn lên để thoát khỏi đói nghèo, vẫn làm ra những sản phẩm để đem đến chợ bán. Hơn nữa, những sản phẩm đó còn phản ánh “hơi thở cuộc sống”, nét văn hóa của mỗi dân tộc như hàng vải lanh, khăn thổ cẩm, hàng ẩm thực, nhạc cụ truyền thống (khèn Mông)...
 
Người đến chợ cũng mang nhiều mục đích khác nhau: Để trao đổi buôn bán, gặp nhau trao đổi tâm tình đi chơi chợ sau những ngày làm việc vất vả, hay các chàng trai, cô gái đi nương gặp nhau bén duyên thầm để rồi hẹn nhau ngày chợ,... Tất cả đã hun đúc cho vẻ đẹp của phiên chợ vùng cao. Đến bất cứ phiên chợ nào, chúng ta sẽ bắt gặp những nồi thắng cố sôi sùng sục bốc khói nghi ngút và những người đi chợ lại quây quần xung quanh hả hê với chén rượu nồng, thức ăn mang từ nhà đi cũng được bầy ra. Mọi người cùng uống rượu rồi say cái say tình, say nghĩa, cứ thế mỗi câu chuyện là một tuần rượu qua. Chợ vùng cao là nơi mọi người tìm đến với nhau để cùng chia sẻ, cùng giao lưu và gửi gắm. Các cô gái đi chợ sẽ chọn cho mình bộ váy đẹp nhất để trưng diện. Bộ váy rực rỡ sắc màu, những nụ cười duyên, những tiếng khèn điêu luyện đầy quyến luyến,... cũng chính từ những phiên chợ đã có nhiều đôi trai gái nên vợ nên chồng. Họ đã say nhau từ điệu múa, giọng hát, tiếng khèn để rồi họ hẹn nhau những phiên chợ sau. Cứ thế, phiên chợ đã trở thành nỗi nhớ khắc khoải đợi chờ đối với những người đến chợ.
 
Sự cần cù, chịu thương, chịu khó của người phụ nữ vùng cao Hà Giang, chúng ta có thể bắt gặp và cảm nhận được, họ đi chợ vẫn tranh thủ se từng sợi lanh thể hiện sự khéo léo, cần cù trong lao động được họ mang theo đến chợ. Vào ngày chợ, dù ở bất cứ nơi đâu ta cũng được nghe tiếng khèn tha thiết gọi bạn, cùng say trong men rượu, gặp những người vợ thủy chung cầm ô che nắng cho người chồng vui quá chén, tới khi chồng tỉnh để cùng nhau dắt ngựa ra về,... Chợ vùng cao ngoài việc giao lưu trao đổi thương mại mà còn là nơi trao đổi văn hóa của người dân. Các buổi giao lưu văn hóa, văn nghệ tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng, Pháp luật của Nhà nước cũng được diễn ra trong ngày chợ do các cơ quan đơn vị chức năng tổ chức, nhằm nâng cao nhận thức của người dân; tuyên truyền nếp sống văn hóa nơi dân cư, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Các tiểu phẩm, tiết mục ca, múa hát cũng phản ánh đời sống, phong tục tập quán của người dân vùng cao, những nét văn hóa phi vật thể, qua đó thu hút được nhiều người dân đến xem và cùng giao lưu và đó đã trở thành “một món ăn tinh thần” quan trọng, có ý nghĩa đối với người dân nơi đây.

Giờ đây cuộc sống của người dân ngày càng phát triển, chợ cũng có nhiều đổi thay, nhưng những nét đẹp truyền thống, những bản sắc văn hóa của các dân tộc mãi trường tồn, vẫn là các nét rất riêng của những phiên chợ vùng cao Hà Giang.
chia sẻ ảnh đẹp check in
Tin bài liên quan khác
TOP ĐIỂM ĐẾN
Cô Tô Cô Tô
53 khách sạn
Biển Hải Hòa Biển Hải Hòa
11 khách sạn
Hải Tiến Hải Tiến
29 khách sạn
Sầm Sơn Sầm Sơn
70 khách sạn
Đà Lạt Đà Lạt
102 khách sạn
KHÁCH SẠN GIỚI THIỆU
Chiêm ngưỡng những hình ảnh và một vài góc của Khu du lịch Vườn Vô Cực Sapa bạn có thể checkin sống ảo.
Chiêm ngưỡng những hình ảnh đầu tiên và một vài góc của Khu du lịch Vườn Vô Cực Sapa bạn có thể checkin sống ảo. Một địa điểm Mới - Đẹp - Lạ tại Sapa năm 2022. ...
Khách sạn Việt Nam được hotel84.com quảng bá và cung cấp dịch vụ tìm kiếm khách sạn giá tốt nhất, thông tin về các Khach san cho chuyến công tác hay kỳ nghỉ thú vị đầy kỷ niệm của du khách.