Đến Cô Tô đừng bỏ quên món Sứa

Đến Cô Tô đừng bỏ quên món Sứa
Trong làn nước trong xanh của biển bao la, những con sứa lập lờ trôi dạt vào bờ. Cả ngày chuẩn bị tươm tất tàu thuyền, đèn pha, lưới, vợt… khi thấy mặt biển bừng sáng với những đám sứa nổi trắng là ngư dân trên các đảo Cô Tô vồn vã đi biển. Với họ, sứa đang là “vàng trắng” của đại dương.
 Dễ như vớt sứa
 
“Xã đảo Thanh Lân giờ đổi khác nhiều rồi. Dọc bờ biển là những khu chế biến, đóng gói sứa quy mô công nghiệp với nhà xưởng, máy móc và hàng trăm lao động. Ở khu vực cảng cá Chiến Thắng, nhiều phương tiện đánh bắt của ngư dân cập về, nhộn nhịp, sôi động trên bến dưới thuyền…” – lời giới thiệu của anh Nguyễn Văn Dũng, một trong những cư dân đầu tiên của đảo Cô Tô thôi thúc tôi ngồi 20 phút tàu gỗ “chồm” trên những con sóng từ cầu cảng số 1 thị trấn Cô Tô ra đảo Thanh Lân.

 
 
“Sứa – thứ trước kia chẳng ai vớt nay lại giúp người dân nơi đây xây biệt thự!”
 
Trong ký ức của tôi, Thanh Lân vẫn là một xã đảo với nhiều bãi biển hoang sơ. Nhưng nay nhà xưởng, tàu thuyền, cầu cảng… nơi nơi tấp nập vì sứa. Sứa – thứ trước kia chẳng ai vớt nay lại giúp người dân nơi đây xây biệt thự!
 
Chủ xưởng sứa Mai Công Đàm ở thôn 1 cho biết, xã đảo tiền tiêu này giờ được mệnh danh là “đảo sứa” bởi nếu toàn huyện Cô Tô có hơn 40 xưởng sản xuất sứa thì Thanh Lân chiếm phần ba. Tại đây, mùi tanh của sứa, vị mặn của biển lúc nào cũng quẩn quanh trong từng bữa ăn, giấc ngủ của dân đảo.
 
Vớt sứa là một trong những nghề dễ nhất trong tất cả những công việc đánh bắt ngoài biển.
 
Anh Nguyễn Văn Dũng, người nhiều năm vớt sứa biển ở Cô Tô cho hay, đi sứa là một trong những nghề dễ nhất trong tất cả những công việc đánh bắt ngoài biển. Cứ khi nào thấy trời đang lạnh mà chuyển sang ấm là sứa về nhiều. Do sứa nổi sát mặt nước và di chuyển khá chậm chạp nên công cụ ra khơi chỉ cần một chiếc tàu nhỏ, vài cái vợt lưới, thêm đèn pha là đủ. Chỉ với con tàu 36 mã lực, mỗi ngày một nhà bốn người có thể vớt được 400 con sứa. Giá mỗi con là 5.000 – 15.000đ, sau mỗi vụ trừ hết chi phí, mỗi nhà cũng để ra được vài chục triệu đồng. Vào mùa, các xưởng tạo việc làm cho 100% lao động địa phương và thu hút hàng ngàn lao động từ các tỉnh Bắc Ninh, Hải Phòng, Hải Dương… Lao động ba tháng mùa sứa mang lại cho họ 10 – 12 triệu mỗi người.
 
Làm chủ công nghệ sơ chế
 
Ngồi ngay trên bãi biển, tấp chén rượu ngán nóng (giống như con ngao, nhưng vỏ đen, thân dày – PV), ông Phạm Văn Qua, xã Thanh Lân cho biết, trước đây những lần lặn biển ông thường “đụng” cả mảng sứa dài 2 – 3m. Thời tiết nắng ấm, sứa nở trôi vào các bãi, mắc cả vào cồn đá. Đi đường chỗ nào cũng nhìn thấy sứa nhưng không ai bắt vì cứ nghĩ sứa độc. Chỉ đến sáu, bảy năm trở lại đây, khi bạn hàng từ Trung Quốc sang tìm mua sứa, nghề đánh bắt chế biến sứa mới phát triển.

 
 
Trước đây, cứ đến mùa sứa (tháng giêng tới tháng ba âm lịch), các cơ sở sản xuất và chế biến sứa  Cô Tô đều phải thuê chuyên gia Trung Quốc. Công nghệ chế biến sứa được họ giữ bí mật và họ cũng độc quyền luôn khâu bao thầu, tiêu thụ sản phẩm. Không chấp nhận lệ thuộc công nghệ vào đối tác Trung Quốc, nhiều chủsứa Cô Tô đã cho công nhân đi học cách sơ chế sứa. “Từ mùa sứa 2012, thợ kỹ thuật ở Thanh Lân đã làm chủ công nghệ sơ chế sứa thành phẩm” – ông Mai Công Đàm bật mí.
 
Nghề khai thác sứa 100% phụ thuộc vào dòng chảy của nước và gió trời. Mùa sứa năm ngoái thời tiết không thuận. Từng dòng sứa chỉ lập lờ ngoài khơi cách bờ 20 – 30 hải lý. “Nhìn thấy tiền tỉ nổi trên biển mà không làm gì được. Tàu vớt sứa công suất nhỏ không dám ra xa vì ra đến nơi vớt xong chạy vào tới bờ sứa chảy hết thành nước”, ông Qua giải thích.
 
Rời tàu đánh bắt sứa, tôi về nhà chủ xưởng sứa Mai Công Đàm đúng giờ ăn trưa. Bà Bùi Thị Ngát, vợ ông Đàm thiết đãi chúng tôi những món ăn được làm từ sứa. Sứa biển tươi vừa xách dưới tàu, từng con được ngâm vào nồi nước lá ổi có bỏ chút muối cho bớt tanh và chất độc. Để sứa thoát hết nước, bà Ngát dùng một thanh cật tre cắt sứa thành những miếng nhỏ làm món nộm sứa hoa chuối. Gắp miếng nộm cho vào miệng, tôi thấy rôn rốt chua, cay, mặn, ngọt cùng với vị thanh mát như thạch rau câu. Ngồi bên cạnh, con trai bà là Mai Thành Trung – đang theo học thạc sĩ đại học Dược Hà Nội – cho biết: ăn sứa giúp giải nhiệt, chữa chóng mặt, nhức đầu…
 
Trung kể với tôi: “Ngày nhỏ em lấy cua làm bạn, bắt sứa làm thú vui đi học rồi vẫn nhớ sứa nên em nảy ra ý tưởng làm… sứa ăn liền”. Sau hai tháng mày mò, Trung và một người đàn ông tâm huyết với sứa ở Móng Cái đã cho ra đời quy trình sản xuất sứa ăn liền. Theo đó, sứa sạch qua quá trình sơ chế được đóng gói bằng công nghệ hút chân không giúp bảo quản trong một tháng. Sản phẩm có logo và thương hiệu Kim Hoàn. Tuy nhiên, sau khi đưa sản phẩm ra thử nghiệm tại Móng Cái, hiện vẫn đang loay hoay tìm đầu ra cho thương hiệu này vì đa phần người dân vẫn có thói quen mua cả một thùng sứa ngậm muối về dùng dần.
 
Về Cô Tô, mừng vì thấy dân đảo đổi đời nhờ sứa, nhưng lại lo vì rác và nước thải chưa qua xử lý từ các phân xưởng này ngày ngày vẫn “xả” ra biển. Hơn lúc nào hết, người dân trên đảo đang cần một quy hoạch bền vững đảm bảo cho sản xuất lẫn môi trường. Bởi dù là nguồn “vàng trắng” ở đảo tiền tiêu Cô Tô, nhưng nếu không biết cách khai thác một cách bền vững, nguồn lợi từ sứa cũng sẽ dễ dàng tan chảy như chính loài nhuyễn thể này.
Tin bài liên quan khác


Hotel84.com chia sẻ các địa điểm Nhà hàng - Quán ăn ngon ở Việt Nam để thực khách dễ dàng tìm kiếm địa chỉ ăn uống.
TOP ĐIỂM ĐẾN
Cô Tô Cô Tô
53 khách sạn
Biển Hải Hòa Biển Hải Hòa
11 khách sạn
Hải Tiến Hải Tiến
29 khách sạn
Sầm Sơn Sầm Sơn
70 khách sạn
Đà Lạt Đà Lạt
102 khách sạn
KHÁCH SẠN GIỚI THIỆU
Chiêm ngưỡng những hình ảnh và một vài góc của Khu du lịch Vườn Vô Cực Sapa bạn có thể checkin sống ảo.
Chiêm ngưỡng những hình ảnh đầu tiên và một vài góc của Khu du lịch Vườn Vô Cực Sapa bạn có thể checkin sống ảo. Một địa điểm Mới - Đẹp - Lạ tại Sapa năm 2022. ...
Khách sạn Việt Nam được hotel84.com quảng bá và cung cấp dịch vụ tìm kiếm khách sạn giá tốt nhất, thông tin về các Khach san cho chuyến công tác hay kỳ nghỉ thú vị đầy kỷ niệm của du khách.